-->

Rated 4.3/5 based on 9 votes

Trịnh gia chính phả (Phần 1)

  

Trịnh gia chính phả (Phần 1)

 Là quyển gia phả của chúa Trịnh, chép hết công việc của 12 đời chúa, từ lúc thịnh đến lúc suy, gồm đủ mọi việc chính trị, văn chương, ngoại giao, nội chiến, quốc thể, nhân tài,vv. Về đời vua Lê, chúa Trịnh: tóm lại là hết thảy những điều quan hệ đến lịch sử nước Nam trong klhoảng 249 năm từ thế kỷ thứ XIV đến thế kỷ thứ XVIII (1539 – 1787) đều có quyển sách này.


LỊCH SỬ VƯƠNG NGHIỆP NHÀ TRỊNH

ĐOẠN THỨ NHẤT

CÔNG ĐỨC LIỆT TỔ

Cụ Hưng tổ Phúc ấm vương Trịnh Liễu, người làng Sáo Sơn, huyện Vĩnh Phúc, phủ Thiệu Hóa, trấn Thanh Hóa, lúc bé cha mẹ mất sớm, lấy nghề cày cấy chăn nươi để sinh nhai, lại vốn có lòng nhân từ hiền hậu. Một hôm, trời gần tối, chợt gặp ông già bảy mươi tuổi trên bờ sông, xin ngủ trọ một dêm.

 


Cụ chào mời vui vẻ, cùng đi về nhà, tiếp đài rất hậu. Đêm khuya, ông già bảo cụ rằng: “Tôi xem ông có lòng thành thực tiếo đẫi tôi. Bên nam núi Hùng Lĩnh có một ngôi đất, để mả ở đấy, bốn đời sau, có thể làm lên Vương nghiệp. Tôi muốn lấy chỗ đất đấy trả ơn ông, ông nghí sao?- Cụ thưa rằng: “ Tôi dám mong đâu thế!”- ông già lại bảo rằng: “Trời cho người cho, không phải tìm cũng được”.Cụ theo nhời ông cùng đi lấy hài cốt thiên nhân về chôn chỗ đó, song cùng đi đến bên Đông núi Lệ Sơn, xứ Ngõ Thắng, xã Biện Thượng. Ông già chỉ bảo cụ rằng: “Chỗ này có thể lập ngôi dương cư được”. Lại đi đến Mả Thắm, ông già nói rằng: “Chỗ này quý địa, trăm năm sau có thể làm âm phần tiếp phúc được”, rồi hai người cùng trở lại Sáo Sơn. Đương lúc chè chén vui vẻ, ông già đủng đỉnh ra ngoài, rồi không biết đi đâu mất, tìm không thấy mới biết là Thần trên trời giáng xuống (sau phong là Tống Thiền Thần Vương).

Cụ lấy con gái họ Hoàng làng Biện Thượng rồi rời sang ở đấy.

Cụ sinh ra đức Diễn Khánh vương Trịnh Lan.

Trịnh Lan sinh ra đức vương Trịnh Lâu.

     Trịnh Lâu lấy con gái họ Hoàng thôn Hồ, làng Vệ Quốc (huyện Yên Định), sinh ra đức Thế Tổ Minh Khang Đại Vương Trịnh Kiểm.

Trịnh Kiểm gây lên Vương nghiệp truyền mười hai đời, cộng hai trăm bốn mươi chín năm.

 

ĐOẠN THỨ HAI

HÀNH TRẠNG CỦA LIỆT TỔ

 

1.    ĐỜI THẾ TỔ MINH KHANG ĐẠI VƯƠNG (1539 – 1569)

 

Trịnh Kiểm mặt vuông, tai to, mồ côi cha từ năm lên sáu. Mẹ con nghèo đói, ai cũng khinh để. Trịnh Kiểm phân tri, bỏ Biện Thượng lại về Sáo Sơn, thường nhật vẫn chăn trâu thuê trong núi Lệ Sơn, tụ tập trẻ mục đồng, lấy gà vịt làm lương thực, lấy trâu bò giả làm voi ngựa, bẻ bông lau giả làm cờ xí, bầy cơ ngũ, tập trận mạc. Người làng khó chịu, toan mưu hại Trịnh Kiểm mới chạy về với bầy tôi nhà Mạc là tước Ninh Bang Hầu người làng Biện Thượng, chăn ngựa cho tước hầu ở Thạch Thành (xách Thọ Liêu), rồi lấy một con ngựa giỏi chạy sang Mường Sùng (Cổ Lũng Ai lao), còn bà mẹ phải trốn về quê mình là làng Vệ Quốc. Trịnh Kiểm nghe tin về thăm mẹ. Có người tố giác với tước Hầu, tước Hầu sang Sáo Sơn vây bắt, nhưng không bắt được Trịnh Kiểm, bèn trói bà mẹ đem dìm xuống sông làng Biện Thượng. Xác bà trôi dạt vào bờ sông, gặp người họ Mai làng Đông Biện vớt đem lên bờ, đương tìm ván cuốc toan chôn, ra đến nơi mối đã đùn lên thành mộ. Người ta ai cũng cho là thiên táng. Chỗ mộ ấy đến nay xa bồi ra đến giữa sông, có nhiều cây cổ thụ. Trịnh Kiểm được tin mẹ bị nạn, khóc lóc vật vã, nói không ra lời làm lễ tế mộ, rồi xa lũ Vũ Thời Tung Định đi táng về xứ Đông Lãng, thôn Sáo Sơn.

 


 

Lúc bấy giờ đức Hưng quốc công Nguyễn Kim tôn phủ nhà Lê đóng đồn ở đất Mường Sùng sứ Ai Lao đang toan trính khôi phục cơ đồ nhà Lê, thấy Trịnh Kiểm có dũng lược. Nguyễn Kim mới tâu cho làm chức Tri mã cơ Dục nghĩa hầu ông lại gả con gái là Ngọc Bảo cho để cùng gia sức phù Lê.

Vua tôi nhà Lê nương náu ở Cẩm Châu để chiêu tập binh mã. Mãi đến năm Canh  Tý (1540), mới đem quân về đánh Nghệ An và Thanh Hóa, thu phục đất Tây Đô (1543). Bấy giờ quan tổng trấn nhà Mạc là Dương Chấp Nhất ra hàng Trịnh, uy tiếng ngày một lừng lẫy.

Năm Ất Tỵ (1545) Vua Lê tiến binh ra đánh trấn Sơn Nam, Nguyễn Kim là Đô tướng Thái Tể Tiết chế thủy bộ mọi dinh, đánh đâu được đấy. Không ngờ Mạc Phúc Hải ủy cho Dương Chấp Nhất là hoạn quan giả cách hàng vua Lê để thám thính tình thế. Vua Lê tính thực, cho binh theo đánh Mạc. Một hôm đi đến huyện Yên Mô, vua Lê mời Nguyễn Kim đến bàn tâm sự, gặp trời nắng bức, đem dưa mời Nguyễn Kim ăn giải khát. Nguyễn Kim ngộ phải thuốc độc chết. Chấp Nhất trốn về với Mạc. Trước khi chết, Nguyễn Kim giao cả binh quyền cho con rể là Trịnh Kiểm.

Trịnh Kiểm được ra  phong làm Đô úy tướng Tiết chế thủy bộ mọi dinh gồm tổng chức Ngoại binh Chương quân Quốc trọng sự hàm Thái sư, tước Lượng quốc công.

Năm Bính Ngọ (1546), Trịnh Kiểm rút quân về Thanh Hóa lập hành điện ở đồn Vạn Lại thuộc huyện Thụy Nguyên (Thanh Hóa) để cho vua ở, dựng hành dinh ở xã Biện Thượng rồi chiêu mộ những kẻ hào  kiệt, luyện tập quân sĩ, tích trữ lương thảo để lo việc nước. Anh hùng hào kiệt ở Châu Hoan, Châu Diễn (Nghệ An) đều vui lòng theo dung nên cảnh thổ Châu Ái ( Thanh Hóa) cũng dần dần bình trị cả.

Năm Mậu Thân (1548) , vua Trang Tôn mất, Trịnh Kiểm lập Thái tử là Duy Hiên lên làm vua: tức là Trung Tôn, được 8 năm rồi băng hà.

Trong mấy năm đời vua Trung Tôn, Trịnh Kiểm giữ thế thủ ở đất Thanh Hóa để sửa sang việc binh lương, đợi ngày tiến đánh họ Mạc.

Vua Trung Tôn mất không có con mà lúc bấy giờ dòng dõi họ Lê cũng không có ai; việc binh quyền vẫn ở trong tay Trịnh Kiểm cả.

Trịnh Kiểm thân đi tìm con cháu nhà Lê, đến làng Bố Vệ ( huyện Đông Sơn) gặp được cháu  huyền tôn ông Lam Quốc công Lê Trừ ( anh vua Thái Tổ) tên là Duy Bang (tục gọi là Chúa Chổm) rước về dựng lên làm vua, tức là vua Lê Anh Tôn.

Năm Mậu Ngọ niên hiệu Chính Trị thứ nhất (1558), trời mưa to luôn, trong nước mất mùa, dân tình đói kém, Trịnh Kiểm sắp sửa tiến binh phải hoãn đến năm sau, cho qua nạn đói. Bấy giờ đất Thuận Hóa mới bình định, nhà Lê đặt chức Tam ty và phân ra các phủ, huyện để cai trị nhưng nhân tâm vẫn chưa yên, vả đấy lại là nơi xa hiểm nên Trịnh Kiểm ngày đêm rất lo về mặt Nam. Nguyễn Hoàng nhờ chị là công chúa Ngọc Bảo xin Trịnh Kiểm cho vào trấn đất Thuận Hóa. Tháng mười năm ấy (1558), Trịnh Kiểm dâng biểu tấu vua Anh Tôn: “đất Thuận Hóa là nơi hình thắng xưa nhà nước nhờ binh tài ở đấy mà thành lên đaị nghiệp. Nay nhân tâm chưa yên, nhiều người trốn ra theo Mạc, sợ sau này có kẻ đem giặc vào cướp phá chăng? Nếu không được một người tướng giỏi chấn thủ, không sao yên được. Đoạn quân công Nguyễn Hoàng vốn dòng thế tướng, gồm đủ dũng lược, có thể cho vào trấn thủ Thuận Hóa để cùng với các thủ tướng ở miền Quảng nam làm thế ỷ dốc. Như vậy nhà vua mấy khỏi cái lo về phía Nam”. Vua Lê Anh Tôn nghe nhời Trịnh Kiểm tâu, chuẩn cho Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa, sắc cho mọi việc được chuyên trách, chỉ hàng năm phải cống thuế.

 

Trịnh Kiểm không phải lo đến mặt Nam nữa, năm sau (1559), khởi binh đánh Mạc.

Mạc Kinh Điển đem binh vào đánh Thanh Hóa cả thảy kể hơn mười trận, trận nào cũng đại bại phải rút quân về, Trịnh Kiểm tiến binh đánh Sơn Nam kể vừa sáu lần, mà không lần nào được toàn thắng. Chỉ có năm Kỷ Mùi (1559), Trịnh Kiểm tự lĩnh sáu vạn quân tiến lên mặt Bắc, chiếm được tỉnh Sơn Tây, Hưng Hóa, Thái Nguyên, Kinh Bắc, Lạng Sơn và các huyện thuộc Hải Dương, nhưng lại bị Mạc Kinh Điển đo đường bộ vào đánh úp Thanh Hóa, tình thế rất nguy cấp. Trịnh Kiểm phải bỏ xứ Bắc về giữ Tây Đô. Thành ra hai bên cứ giữ nhau mãi, không bên nào được hẳn mà cũng không bên nào thua hẳn.

Trịnh Kiểm tuy chưa lấy lại được đất Bắc Kỳ nhưng đã dẹp yên được Châu Hoan, Châu Ái, lấy lại được trấn Hưng, trấn Tuyên, lại vốn có dũng lược hơn người, biết xếp đặt các kế hoạch để chống giữ, biết trù tính việc lâu dài, khiến cho thế lực nhà Lê mỗi ngày một thêm mạnh. Nhà Lê nhờ Trịnh Kiểm mới trung hưng được, mà họ Trịnh lập lên nghiệp Chúa cũng là khởi đầu tự Trịnh Kiểm vậy.

Năm Kỷ Tỵ thứ 12 (1569), Trịnh Kiểm được gia phong làm quan thượng tướng chức Thượng phu Thái quốc công. Năm Canh Ngọ niên hiệu chính trị thứ 13 (1570) tháng hai ngày 18, Trịnh Kiểm mất thọ 68 tuổi truy tôn Minh Khang Đại Vương, miếu hiệu là Thế Tổ. Chiếu cho con trưởng là Trịnh Cối tước Đại quốc công thay quyền cha lo việc đánh dẹp. Nhưng Trịnh Cối không biết thương quân sĩ, nên tướng tá không ai quy phục đều bỏ theo cả về với em là Trịnh Tùng, Trịnh Tùng nhân đấy được nối nghiệp Vương.



 

2.    ĐỜI THÀNH TỔ TRIẾT VƯƠNG TRỊNH TÙNG (1570 - 1623)

 

Trịnh Tùng con thứ hai của Trịnh Kiểm, thấy tướng tá không quy phục anh là Trịnh Cối mà theo cả mình, bèn cùng với Lê Cập Đệ và Trịnh Bách rước vua về đồn Vạn Lại (Thanh Hóa). Trịnh Cối được tin đem quân đuổi theo nhưng không đuổi kịp, lại gặp Mạc Kinh Điển đốc mười vạn quân sang đánh cửa bể Linh Trường, Hội Trào, Chi Long; quân đóng ở phủ Hà Trung, khói lửa liền liền hơn mười dặm ta. Trịnh Cối tự lượng thế không chống lại được, bèn đem quân về hàng họ Mạc, Mạc lại cho giữ quan tước như cũ. Mạc thừa thế kéo binh lên Sông Mã, từ Cửa ứng trở xuống sông Lương Từ Bổng lật trở về, khói lửa rực trời, tinh kỳ rợp đất. Bên tả ngạn sông Mã: Châu Ra, Châu Tầm; ở hữu ngạn sông Mã: huyện Lôi Dương, huyện Nông Cống đều biến thành nơi chiến trường. Quân Mạc tiến đến vây hành điện chỗ vua Lê đóng. Trấn Thanh Hóa lại sắp về nhà Mạc.

 


Bấy giờ vua Anh Tôn rời về Đông Sơn phong cho Trịnh Tùng làm Tả Thừa tướng Tiết chế mọi dinh tướng sĩ, để chống với quân Mạc, Trịnh Tùng sai các tướng giữ các nơi hiểm yếu, rất là chắc chắn. Mạc Kinh Điển đánh mãi không được, lâu ngày hết cả lương thực. Trịnh Tùng thừa thế rước xa giá đem quân đánh lấy lại được huyện Thụy Nguyên, huyện Yên Định, thắng cho đến huyện Đông Sơn, trọ dinh ở đấy rồi sai ông Hoàng Đình Ái đánh lấy huyện Lôi Dương, huyện Nông Cống và địa phận Quảng Xương nữa, và sai ông Lại Thế Khánh đánh lấy huyện Tống Sơn, huyện Nga Sơn. Quân Mạc thua chạy, Kinh điển phải nhổ trại rút quân về Bắc.

Năm Tân Mùi niên hiệu chính trị thứ 14 (1571), vua Lê Anh Tôn bàn đến chiến công, gia phong cho Trịnh Tùng làm quan Thái úy tước Trưởng quốc công và thăng trưởng cho các tướng sĩ. Quan thái phó là Lê Cập Đệ sinh lòng ghen ghét, mưu với vua toan hại Trịnh Tùng. Trịnh Tùng giả làm người thường lấy vàng ngọc tặng cho Lê Cập Đệ. Ngày 21 tháng 11 năm ấy, Lê Cập Đệ thân lại tạ, Trịnh Tùng phục binh giết ngay. Vua Anh Tôn lo sợ lắm, cùng bốn hoàng tử đưa ra tuần ở ngoài, chạy vào Nghệ An lánh ở huyện Lôi Dương, rồi mất ngày 22 tháng giêng năm Quý Dậu niên hiệu Hồng Phúc thứ hai (1573).

Trịnh Tùng thấy vua xuất ngoại rồi bèn rước hoàng tử thứ năm là Lê Duy Đàm ở làng Quảng Thị (huyện Thụy Nguyên) về dựng lên làm vua, đổi niên hiệu là Gia Thái, ấy là vua Lê Thế Tôn.

Thời bấy giờ quân Mạc đang tung hoành, Trịnh Tùng một mặt chia quân phòng giữ các nơi hiểm yếu, một mặt tiến đại binh đánh nhau với Mạc ở thành Khoái Châu. Tướng nhà Mạc là Lê Thế Viêm, Mạc Kinh Điển yếu thế phải cùng nhau rút quân về Kinh Đô.

Rồi trong 10 năm từ Quý Dậu (1573) đến Quý Mùi (1583), Trịnh Tùng cứ giữ vững đất Thanh Hóa, Nghệ An khiến cho Mạc đánh vào phải hao binh tổn tướng. Tướng nhà Mạc là Mạc Kinh Điển, Nguyễn Quyện và Mạc Ngọc Liễn khi thì vào đánh Thanh Hóa, khi thì đánh cả Thanh Hóa và Nghệ An nhưng không bao giờ thành công lại phải rút quân về.

      Năm Mậu Dần (1578), đổi niêm hiệu là Quang Hưng.

  Đến năm Quý Mùi (1583), Trịnh Tùng xem thế mình đã mạnh, mới cử binh mã ra đánh Sơn Nam (Nam Định) lấy được rất nhiều lương thực. Về sau năm nào cũng ra đánh khiến cho quân nhà Mạc sức một ngày một suy. Nhà Mạc thấy thế nhà Lê một ngày một mạnh, bèn bắt quân dân đắp ba từng lũy, đào ba lần hào ở ngoại thành Đại La để phòng giữ lũy.

  Lũy ấy bắt đầu từ làng Nhật Chiêu (nay là Nhật Tân về phía Tây Bắc Hà Nội, quanh Tây Hồ, qua xã Yên Thái (làng Bưởi làm giấy ta) theo đông ngạn sông Tô Lịch đến Gia Kiều (nay là Thịnh Quang) suốt sang đông cho đến bờ đê sông Nhị Hà gần xã Vĩnh Tuy (thuộc huyện Thanh Trì).

  Thế là Thăng Long, phía đông sông Nhị Hà về phía tây, nam, bắc có lũy bao bọc rất là kiên cố.

  Trịnh Tùng bèn nhất quyết cử đại binh ra đánh Thăng Long.

  Năm Tân Mão (1591), Trịnh Tùng sai Diễn quận công Trịnh Văn Hải, thái quận công Nguyễn Tất Lý đem binh trấn thủ các cửa bể và các nơi hiểm yếu; sai Thọ quận công Lê Hòa ở lại giữ ngự dinh và trông nom cả địa hạt Thanh Hóa. Phòng bị đâu đấy rồi, Trịnh Tùng bèn chia năm vạn (50.000) quân ra làm năm đạo, giao cho Thái phó Nguyễn Hữu Liên, Thái úy Hoàng Đình Ái, Lân quận công Hà Thế Lộc, Thế quận công Ngô Cảnh Hựu mỗi người lĩnh một đạo; còn mình tự thân chính làm tướng đem hai vạn quân thẳng cửa Thiên Quan (Ninh Bình) tiến đánh nhà Mạc.

  Vua nhà Mạc là Mạc Hậu Hợp được tin Trịnh Tùng đem quân ra Bắc, bèn hợp tất cả quân bốn vệ và quân năm phủ được hơn mười vạn, chia làm ba đạo, sai Mạc Ngọc Liễn và Nguyễn Quyện lĩnh hai đạo đi làm tả hữu dực;còn mình tự dẫn trung quân đến đóng đối trận với quân Trịnh Tùng.

      Trịnh Tùng thấy quân Mạc đã đến bèn tự mình dốc tướng sĩ, thề đánh cho được giặc để yên trong nước. Hai bên đánh nhau ở bên sông Hát Gian. Quân họ Trịnh đánh rất hăng. Quân nhà Mạc chống không nổi, thua chạy qua sông, đảng lốt tranh thuyền, lăn xuống sông chết quá nửa. Mạc Hậu Hợp bỏ chạy. Quân họ Trịnh thừa thế đuổi tràn gần đến thành Thăng Long, đóng quân trên sông Nhuệ (Ninh Giang). Vừa gặp tết Nguyên Đán nên Trịnh Tùng định chiến cho quân sĩ nghỉ ngơi ăn tết. Qua sang tháng giêng năm Nhâm Thìn thứ 15 (1592), Trịnh Tùng lập đàn tế trời đất và các Tiên đế nhà Lê rồi đặt ba điều để nghiêm cấm quân sĩ:

  Điều thứ nhất: không được vào nhà dân lấy lương thực và củi đuốc.

  Điều thứ hai: không được cướp của cải và chặt cây cối.

  Điều thứ ba: không được dâm hiếp đàn bà con gái, không được vị tư thù mà giết người.

  Ai phạm ba điều ấy sẽ lấy quân pháp nghiêm trị.

  Đoạn rồi, Trịnh Tung tiến quân đánh Thăng Long thành. Quân sang sông Nhuệ, đóng ở chùa Thiên Xuân thuộc xã Thanh Xuân cách tỉnh lỵ Hà Đông gần hai cây số rồi đến cầu Nhân Mục nghỉ chân.

  Bấy giờ Mạc Hậu Hợp tuy thua quân cậy có tràng giang để thủ hiểm, thấy quân nhà Trịnh tiến lên bèn sai lũ Mạc Ngọc Liễn, Bùi Văn Khuê, Nguyễn Quyện và Trần Bách Niên ở lại cố giữ thành Thăng Long, rồi đem quân qua sông Nhị Hà sang đóng ở lang Thổ Khối (huyện Gia Lâm), dùng một trăm chiếc chiến thuyền chống giữ mặt đông thành Thăng Long. Mạc Ngọc Liễn thống lĩnh đại quân giữ mặt Bắc, tây - bắc và tây thành Thăng Long, từ sông Nhị Hà (xã Nhật Chiêu) đến cửa Bảo Khánh. Bùi Văn Khuê và Trần Bách Niên cầm bốn đạo quân giữ mặt Tây Nam: cửa Gia Kiều, Mộng Kiều và Triền Kiều (từ Tiên lãng đến Bạch Mai). Còn Nguyễn Quyện thì dốc quân chống giữ mặt Nam và Đông Nam từ Bạch Mai đến sông Nhị Hà.

  Mồng 5 tháng giêng năm ấy (1592), Trịnh Tùng kéo quân qua cầu Nhân Mục sang sông Tô Lịch, đóng ở Sạ Đôi, để bày trận thế rồi truyền cho các tướng sĩ nội nhật phải lấy được thành Thăng Long và tướng nào vào được trong thành trước sẽ được trọng thưởng.

  Nguyễn Hữu Liêu và Trịnh Ninh làm tả dực cầm một vạn quân và voi đánh lấy cầu Gia Kiều (nay là Thịnh Quang) cùng Bùi Văn Khuê và Trần Bách Niên đại chiến ở cửu tây.

Hoàng Đình Ái và Trịnh Đồng làm hữu dực có 10.550 quân và voi, đánh nhau với Nguyễn Quyện mặt Nam thành Thăng Long: cửu Triền Kiều (Bạch Mai) và cửa Nam Giao.

      Tiền quân và trung quân có Trịnh Đỗ đốc xuất.

      Trịnh Tùng làm hậu tập có 25.000 quân.

      Thuỵ Trang Hầu cầm 1.200 quân nghe hiệu lệnh phải đánh tiên phong, lấy cầu Mộng Kiều và cửa Mộng Kiều ở mặt Nam thành Thăng Long.

      Xếp đặt đâu đấy, các đạo quân đều kéo về xã Hông Mai (nay là Bạch Mai phường) để chờ hiệu.

      Đến giờ Tị thì nổi hiệu bằng ba tiếng súng, tiếmg cồng và tù và. Thế là gần 9 giờ sáng mới bắt đầu khởi chiến: mãi đến 3 giờ chiều mà bất phân thắng phụ. Trịnh Tùng đốc bản quân cố sức xông vào mới phá được luỹ. Quân Trịnh kéo vào trong thành, Bùi Văn Khuê, Mạc Ngọc Liễn và Trần Bách Niên bỏ thành chạy thoát.

      Quân Nguyễn Hữu Liên lấy được cửa tây, xông vào trong thành, đốt phá lâu đài, dinh thự, rồi kéo thẳng đến bến sông Nhị Hà.

      Hoàng Đình Ái chiếm được cửa Triền Kiều (Bạch Mai), phá cầu Triền Kiều, khiến cho quân Nguyễn Quyện không lối tháo than, chết hại rất nhiều, Nguyễn Quyện bị bắt còn hai con tử trận.

      Trịnh Tùng thắng trận rồi, kéo toàn lục quân kỵ binh và voi vào thành Thăng Long. Quân Mạc bị chết hoặc bị bắt rất nhiều; phần thì chạy về phía đông, bơi qua sông Nhị Hà để trốn, bị chết đuối rất nhiều. Mạc hậu Hợp chống giữ hai bên bờ sông Nhị Hà cứu được nhiều đảng lốt trốn qua sông.

      Khi bắt được Nguyễn Quyện rồi, Trịnh Tùng đối đãi rất ân cần, hỏi Nguyễn Quyện những kế hoạch để diệt Mạc. Nguyễn Quyện khuyên nên phá luỹ Đại La san phẳng ra làm bình địa, rồi tiếp chiến luôn.

      Tuy phá mất nhiều thì giờ và tốn công phu mấy xong nhưng Trịnh Tùng cũng nghe theo Nguyễn Quyện bắt quân lấp vào, phá luỹ.

      Thế là cuối năm Nhâm Thìn (1592), Trịnh Tùng thu phục được thành Thăng Long và cả xứ Bắc Kỳ (phía nam tỉnh Hưng Yên và Thái Bình không kể).

      Công việc xong rồi, Trịnh Tùng thân về Thanh Hoá đem tin thắng trận cho Vua biết.

      Trịnh Tùng  đã bỏ Thăng Long về Thanh Hoá, Mạc Hậu Hợp không biết nhân cơ hội ấy chỉnh đốn quân bị, sửa đổi chỉnh thể, lại cứ say đắm trong vòng tửu sắc, bạc đãi các tướng sĩ, đến nỗi các công việc hư hỏng, thân mình bị hại.

      Tướng nhà Mạc là Bùi Văn Khuê có người vợ tên là Nguyễn Thị, nhan sắc hơn người. Mạc hậu Hợp toan giết Văn Khuê để lấy Nguyễn Thị làm vợ. Văn Khuê biết ý, đem vợ vào huyện Gia Viễn (Ninh Bình). Mậu Hợp cho quân theo bắt, Văn Khuê phải xin về hàng Trịnh Tùng.

      Trịnh Tùng mừng lắm, sai Hoàng Đình Ái ra đón Văn Khuê cho Văn Khuê làm tiền khu, tự mình lại đem đại binh trở ra Tràng An, gặp quan nhà Mạc ở sông Thiên Phái (huyện Ý Yên và Phong Doanh thuộc tỉnh Nam Định), đánh nhau một trận kịch liệt, lấy được 70 chiếc thuyền chiến. Tướng nhà Mạc là Trần Bách Niên hàng Trịnh Tùng.

      Quân Trịnh Tùng kéo ra Bình Lục (Hà Nam) rồi sang huyện Thanh Oai (Hà Đông) đóng ở bãi Tinh Thần (xã Thanh Thần bây giờ), sau tiến lên đến sông Hát Giang (cửa sông Đáy ra sông Hồng Hà), gặp tướng nhà Mạc là Mạc Ngọc Liễn đánh cho một trận điên bái, lấy được kể hàng nghìn chiếc thuyền chiến. Quân Mạc bị tan vỡ.

      Mạc Hậu Hợp được tin quân mình thua to, bỏ thành Thăng Long đem binh chạy về đóng ở Kim Thành thuộc tỉnh Hải Dương.

      Trịnh Tùng ra tới Thăng Long sai Nguyễn Thất Lý, Bùi Văn Khuê và Trần Bách Niên đem quân tiến đánh Kim Thành, đánh Mạc Hậu Hợp lấy được rất nhiều của cải vàng bạc và bắt được mẹ Mạc Hậu Hợp cùng quân nhu chiến mã đem về.

      Mạc Hậu Hợp thấy nhiều phen quân mình bất lợi bèn cử con là Mạc Toàn giám quốc, rồi tự mình thân chinh đem quân đi đánh. Nhân sai người đến hỏi Trạng Trình quốc công mưu kế nên làm thế nào? Trạng Trình bảo: “Một mai nước có biến cố, đất Cao Bằng tuy nhỏ nhưng cũng khá di duyên được vài đời”.

      Bấy giờ quan nhà Mạc là bọn Đỗ Uông, Ngô Tạo cả thảy 17 người, về hàng nhà Lê.

      Trịnh Tùng sang đón ở huyện Vĩnh Lại, rồi sai Phạm Văn Khoái đem quân đuổi đánh Mậu Hợp ở huyện Yên Dũng (Bắc Giang) và huyện Vũ Ninh (nay là huyện Vũ Giang thuộc tỉnh Bắc Ninh), Mạc Hậu Hợp cùng thế phải bỏ thuyền chạy lên bộ, vào ẩn trong chùa ở huyện Phượng Nhưỡng (Bắc Giang), Văn Khoái đuổi đến đấy, có người chỉ dẫn bắt được Mậu Hợp đem về Thăng Long, làm tội sống 3 ngày rồi đem chém ở bên sông Bồ Đề, đầu Mậu Hợp đem vào bêu ở trong Thanh Hoá.

      Nhà Mạc làm Vua kể từ Đặng Dung đến Mậu Hợp gồm 5 đời cộng được 65 năm (1527 - 1692).

      Bấy giờ Mạc Kính Chỉ (con Mạc Kinh Điển và chắt Mạc Đặng Dung) ở Đông Triều biết tin Mạc Hậu Hợp đã chết, bèn tự tôn làm vua, đóng ở huyện Thanh Lâm, họp tộc đảng hơn trăm người và các quan văn võ rồi treo bảng chiêu mộ quân sĩ. Chẳng bao lâu được sáu, bảy vạn người. Mạc Toàn là con Mạc Mậu Hợp cũng theo về với Mạc Kính Chỉ.

      Trịnh Tùng thấy Mạc Kính Chỉ lại nổi lên, thanh thế lừng lẫy bèn đem quân sang đánh ở huyện Cẩm Giàng và huyện Thanh Lâm. Ngày 14 tháng giêng năm Quý Tị niên hiệu Quang Hưng thứ 7 (1593), Trịnh Tùng bắt được Kính Chỉ và họ hàng nhà Mạc cùng các quan văn võ cả thảy 60 người. Trong số đó có hai quận công Khang Hựu và Hùng Lễ. Ngày 27 tháng ấy, Mạc Kinh Chỉ bị xử giảo.

      Trịnh Tùng đánh được trận ấy, trở về Thăng Long. Tháng 3 năm Quý Tị (1593), rước xa giá vua Thế Tôn từ xách Vạn Lại đến Thanh Oai trú chân. Tháng tư rước về kinh ngự chính điện mở triều và thăng thưởng cho các tướng sĩ. Vua Thế Tôn chịu bốn phương chầu mừng và đại xá cho thiên hạ.

      Năm sau, tướng nhà Mạc là Mạc Ngọc Liễn tìm được một người con Mạc Kinh Điển là Mạc Kính Cung lập lên làm vua, chiếm giữ châu Yên Bác ở đất Lạng Sơn để làm căn bản. Nhưng chẳng bao lâu Trịnh Tùng sai quan Thái úy là Hoàng Đình Ái đem binh lên đánh, Mạc Kim Cung và Mạc Ngọc Liễn chống không nổi phải bỏ chạy sang Long Châu.

Đến đây nhà Mạc tan hết mà nhà Lê trung hưng mới thực nhất thống được Nam - Bắc.

Trịnh Tùng tuy đã dứt được nhà Mạc, thu phục được đất Đông Đô nhưng nhà Minh nhận của đút của nhà Mạc vẫn cố ý bênh nhà Mạc không chịu nhận nhà Lê. Vả con cháu nhà Mạc và đảng nhà Mạc còn nhiều: nay xưng vương chỗ này, mai nổi loạn nơi khác, cho nên Trịnh Tùng phải dùng đến cả trí lực: dùng trí để giữ cho nhà Minh khỏi quấy nhiễu; dùng lực để đánh dẹp dư đảng họ Mạc.

Khi Trịnh Tùng lấy lại được thành Thăng Long rồi, nhà Mạc sang kêu với Minh Đế rằng không phải con cháu nhà Lê, chính họ Trịnh nổi lên tranh ngôi.

Vua nhà Minh sai sứ đến Nam Quan khám xét về việc ấy.

Tháng 3 năm Bính Thân (1596), vua Thế Tôn sai quan Hộ bộ thượng thư Đỗ Uông và quan Đô ngự sử Nguyễn Văn Giai lên Nam Quan tiếp xứ Tầu. Sau lại sai hai ông Hoàng thân Lê Cảnh và Lê Lựu cùng với quan Công bộ Tả thị lang Phùng Khắc Khoan đem 10 người kỳ mục, 100 cân vàng, 1.000 cân bạc, ấn An nam Đô thống sứ của nhà Mạc và ấn An nam Quốc Vương của vua Lê ngày trước, sang cho sứ nhà Minh khám. Nhưng sứ nhà Minh bắt vua Thế Tôn phải thân hành sang hội ở Nam Quan.

Trịnh Tùng sai Hoàng Đình Ái đem một vạn quân đi hộ giá, đưa Vua sang hội ở cửa Nam Quan. Sang đến nơi xứ nhà Minh đòi phải nộp người vàng và ấn vàng như trước, mà không chịu đến hội. Vua chờ lâu không xong việc phải bỏ về.

  Đến tháng tư năm sau, sứ nhà Minh lại sang mời vua Thế Tôn lên ngôi ở Nam Quan, Trịnh Tùng sai quan Thái úy Hoàng Đình Ái đem năm vạn quân đi hộ giá đưa vua sang phó hội.

  Khi xa giá về, Trịnh Tùng đi các quan đi đón mừng sau sai quan Công bộ Tả thị lang Phùng Khắc Khoan làm Chánh sứ, Quan thái thượng tự khanh Nguyễn Nhân Thiềm làm Phó sứ, đem đồ lễ sang Yên Kinh cống nhà Minh. Từ đó nhà Lê lại cống hiến nhà Minh như trước.

  Năm Đinh Dậu niên hiệu Phúc Đức thứ hai Đại Đức thứ ba (1597), có hai người tên là Nguyễn Đường Minh quán huyện Yên Phong và Nguyễn Minh Trí quán xã Ngải Kiều (huyện TừLiêm) toan mưu thoán vi nhưng việc lộ ra đều bị Trịnh Tùng bắt giết ngay.

  Từ khi Mạc Hậu Hợp và Mạc Kinh Chỉ phải bắt rồi, tộc đảng họ Mạc nương náu ở các nơi, toan đường khôi phục:

1.    Mạc Kinh Chương xưng làm Tráng Vương chiếm giữ từ đất Đông Triều cho đến đất Yên Quảng. Mùng một tháng giêng năm Bính Thân (1596), Mạc Kinh Chương dời đóng đồn tại Yên Quảng lấy đất Vạn Ninh và đất Hương Lan làm căn bản. Trịnh Tùng sai quan chấn thủ Hải Dương là Phan Ngạn đem quân vây đánh trấn Kinh Chương bị bắt.

2.    Mạc Kinh Dụng (con Mạc Kinh Chỉ) chiếm giữ đất Yên Bác (Lạng Sơn) xưng là Uy vương chẳng bao lâu cũng bị quân nhà Trịnh bắt được.

3.    Mạc Kinh Cung trước chạy sang Châu Long sau lại trở về họp du đảng, đánh phá ở đất Cao Bằng và Lạng Sơn, Trịnh Tùng cho quân đuổi đánh, Kinh Cung chạy thoát, sang kêu với nhà Minh. Bấy giờ thổ quan nhà Minh nhận của đút nhà Mạc, tâu vua Minh an sáp cho họ Mạc ở Cao Bằng.

Nhà Lê bất đắc dĩ phải nhường đất Cao Bằng cho con cháu họ Mạc ở.

Trịnh Tùng thu xếp xong việc thông sứ với nhà Minh dứt được họ Mạc, thu giang sơn lại cho Lê rồi, năm Giáp Ngọ (1594), vua Lê Thế Tôn phong cho Trịnh Tùng Tước Vương, phàm chính sự trong nước phải đưa Vương Phủ sửa định rồi mới tâu lên thi hành. Ngày 7 tháng 4 năm Kỷ Hợi niên hiệu Quang Hưng thứ 12 (1599) vua Thế Tôn ban kim sách phong Trịnh Tùng làm Đô nguyên súy, Tổng quốc chính, Thượng phụ Bình an vương phàm những việc đặt quan thu thuế, bắt lính trị dân đều thuộc về họ Trịnh cả. Chỉ khi nào thiết triều hay tiếp sứ thì vua làm chủ.

Từ đó về sau, họ Trịnh cứ thế lập tước Vương gọi là chúa Trịnh.

Từ tháng tám năm Kỷ Hợi (1599) vua Lê Thế Tôn mất, Trịnh Tùng rước ông hoàng thứ là Duy Tân dựng làm vua Lê Kính Tôn, đổi niên hiệu là Thuận Đức.

Đức Đoan quốc công Nguyễn Hoàng (con thứ đức Chiêu huân Tĩnh công Nguyễn Kim) đem quân nhu súng ống ra giúp Trịnh Tùng đánh Mạc trong tám năm trời lập được nhiều chiến công to. Năm sau (1600) lại về giữ đất Thuận Hóa. Trịnh Tùng đưa thơ khuyên dụ Nguyễn Hoàng mới chịu cống thuế ngoài Bắc.

Năm ấy (1600), bọn Phan Ngạn, Ngô Đình Nga và Bùi Văn Khuê nổi loạn ở cửa Đại An (Nam Định). Nhưng chẳng bao lâu Phan Ngạn và Bùi Văn Khuê sinh lòng nghi kị và giết lẫn nhau. Còn Ngô Đình Nga về giúp nhà Mạc.

Trịnh Tùng ở Thăng Long sợ bốn mặt thù địch bèn rước xa giá về Thanh Hóa.

Trịnh Tùng đi rồi, thành Thăng Long bỏ không. Đảng họ Mạc bèn rước bà thứ mẫu của Mạc Hậu Hợp là Bùi Thị về tôn làm quốc mẫu rồi đón Mạc Kinh Cung ở đất Cao Bằng về làm vua.

Trịnh Tùng rước vua Kinh Tôn vào Thanh Hóa rồi thu xếp quân nhu chiến mã ra lấy lại thành Thăng Long. Nhưng còn sợ mặt Thuận Hóa có biến chăng, bèn sai quan vào sai ủy dụ Nguyễn Hoàng rồi mới kéo thủy bộ đại quân ra Bắc đánh Mạc, Bùi Thị bị bắt giết ngay.Còn Mạc Kinh Cung bỏ chạy sang Kim Thành (Hải Dương) rồi trốn lên Cao Bằng.

Trịnh Tùng lấy lại Thăng Long rồi sai quân vào rước vua Kính Tôn ra và sai các tướng đi tiễu trừ đảng nhà Mạc ở Thái Nguyên, Lạng Sơn và Yên Quảng.

Năm Kỷ Mùi (1607), Trịnh Tùng ra chơi Đông Lâu xem thuyền, đến ngã ba đường, bị đạn bắn vào voi. Bắt được người bắn đem về tra tấn mới biết Vương tử Trịnh Xuân muốn tranh quyền với anh là Trịnh Tráng, bèn âm mưu với vua Kinh Tôn để giết Trịnh Tùng. Nhưng chẳng may sự không thành, vua Kinh Tôn lo sợ, bèn thắt cổ chết. Trịnh Tùng bắt Trịnh Xuân giam mấy tháng rồi tha.

Vua Kinh Tôn chết rồi, Trịnh Tùng dựng hoàng tử Hựu làm vua Thần Tôn đổi niên hiệu là Vĩnh Tộ.

Ngày 17 tháng 6 năm Quý Hợi niên hiệu Vĩnh Tộ năn thứ 5 (1623), Trịnh Tùng bị bệnh ốm, hội các quan giao binh quyền cho thế tử là Trịnh Tráng và thứ tử Trịnh Xuân làm phó.

Trịnh Xuân không bằng lòng đem binh làm loạn, bắt Trịnh Tùng phải ra ngoài rồi đốt phá kinh thành. Xa giá nhà vua phải rời về Thanh Hóa, Trịnh Tùng thấy biến chạy về xã Hoàng Mai (huyện Thanh Trì) vào nhà Trịnh Đỗ thì dỗ Trịnh Xuân đến để trao quyền cho. Trịnh Xuân vào thì Trịnh Tùng sai bắt chém ngay, rồi rời sang quận Thanh Xuân huyện Thanh oai, mất ngày 20 tháng 8 (đúng ra là ngày 20 tháng 6) năm Quý Hợi (1623) niên hiệu Vĩnh Tộ thứ 5 thọ 74 tuổi, làm Chúa 58 năm; Năm Giáp Tý (1624) tôn phong Triết Vương, miếu hiệu Thành Tổ.


CHÍNH TRỊ

Trịnh Tùng phải đánh họ Mạc và giẹp nội loạn nên thời kì ấy chỉ có việc chiến tranh không sửa sang việc chính trị được mấy.

Binh chế: Đánh được nhà Mạc rồi, Trịnh Tùng đặt ra hai thứ binh lính:

1.       Ưu binh: Lính này lấy ở ba phủ đất Thanh Hóa và bốn phủ đất Nghệ An, ba suất đinh lấy một tên. Những lính ấy đóng ở kinh thành làm quan túc vệ, canh giữ đền vua, phủ chúa, không những được cấp công điền, lại được thêm chức sắc.

2.       Nhất binh: Lính này lấy ở từ trần đất Bắc là Sơn Nam, Kinh Bắc, Hải Dương, Sơn Tây, cứ năm xuất đinh lấy một tên. Lính ấy chỉ để đủ giữ các trấn, còn cho về làm ruộng lúc cần dùng đến mới gọi ra.

Học hành thi cử: Về đời Hậu Lê, trong nước ở đâu cũng lấy nho học làm trọng, ở quốc tử giám thì đặt quan Tế tửu và quan Tư nghiệp làm giảng quan. Mỗi tháng một lần tiểu tập, ba tháng một lần đại tập.

Từ khi nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê, họ Mạc vẫn mở khoa thi ở Thăng Long để chọn lấy nhân tài. Nhà Lê vì bận việc chiến tranh nên mãi đến năm Canh Thìn (1580) mới mở khoa thi hội ở Tây Đô rồi từ đó, cứ ba năm một kì thi Hội, để chọn nhân tài giúp nước.


 

 

 


 

 

No comments

Theme images by rion819. Powered by Blogger.